Giới thiệu Bộ môn Kinh tế

Giới thiệu Bộ môn Kinh tế

gioithieu1.jpg

 

I. THÔNG TIN TỔNG QUAN

Văn phòng Bộ môn: Phòng F5.5, 65 Huỳnh Thúc Kháng, Quận 01, TP.HCM
Điện thoại: 3.8214636-12, E-mail: kinhte@caothang.edu.vn.

Website: http://kinhte.caothang.edu.vn/

II. TỔNG QUAN VỀ PHÒNG – KHOA

1. Lịch sử hình thành:

Căn cứ vào khả năng của trường Cao Đẳng Kỹ Thuật Cao Thắng và nhu cầu nhân lực lĩnh vực kinh tế thời kỳ hội nhập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định số 450/QĐ-BGD&ĐT ngày 25 tháng 01 năm 2006 cho phép trường đào tạo thêm lĩnh vực Kinh tế bên cạnh lĩnh vực Kỹ thuật vốn đã là thế mạnh của trường từ trước đến nay. Ngày 01 tháng 03 năm 2008 Ban Giám Hiệu trường ban hành quyết định số 151/QĐ-CĐKTCT-TCHC về việc thành lập Bộ môn Kinh tế trực thuộc Khoa Giáo dục Đại Cương. Bộ môn Kinh tế đã ra đời với ngành đào tạo đầu tiên là Kế toán. Qua bốn năm hình thành, được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của Ban Giám Hiệu nhà trường và cùng với sự phấn đấu của mình, Bộ môn Kinh tế đã không ngừng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng (cụ thể đối với 2 khóa kế toán đầu tiên của trường: sinh viên được bố trí nơi thực tập tốt và trên 90% sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm). Trước tiền đề ấy, ngày 31 tháng 08 năm 2010 Ban Giám Hiệu đã ra quyết định số 742/QĐ-CĐKTCT-TCHC tách Bộ môn Kinh tế trở thành Bộ môn trực thuộc Ban Giám Hiệu nhà trường, tạo điều kiện cho Bộ môn phát triển thành khoa Kinh tế trong tương lai.

2. Chức năng, Nhiệm vụ và phương châm đào tạo (Khoa, Bộ môn):

a. Chức năng:

Bộ môn Kinh tế là đơn vị trong nhà trường giúp Hiệu trưởng quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện toàn bộ quá trình đào tạo ngành kế toán theo mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo của ngành theo 2 hệ: Cao đẳng chuyên nghiệp và Cao đẳng nghề.

Bộ môn còn vận dụng nguyên lý giáo dục của Đảng, đường lối chính sách của Nhà nước vào suốt quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, bộ môn Kinh tế còn phối hợp chặt chẽ với các phòng, khoa, bộ môn khác trong nhà trường để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

b. Nhiệm vụ:

Nhiệm vụ của bộ môn Kinh tế là:

-         Xây dựng và tổ chức thực hiện đúng kế hoạch đào tạo, tiến độ giảng dạy các môn chuyên môn kế toán, tài chính doanh nghiệp, kiểm toán, phân tích hoạt động kinh doanh … cho các lớp hệ Cao đẳng và hệ Cao đẳng nghề.

-         Tổ chức và chỉ đạo các hoạt động xây dựng giáo trình, bài giảng, tài liệu học tập các môn học do Bộ môn Kinh tế quản lý.

-         Hướng dẫn thực hành trên máy vi tính, thực tập và thi cử đối với sinh viên.

-         Tổ chức và quản lý quá trình đào tạo, giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục, rèn luyện học sinh- sinh viên theo nhiệm vụ đuợc giao.

-         Tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và quản lý đội ngũ giảng viên của bộ môn theo qui định.

-         Tổ chức thực hiện các nghiệp vụ giáo dục của bộ môn theo qui định của nhà nước và nhà trường.

c. Phương châm đào tạo:

Phương châm đào tạo của Bộ môn Kinh tế là phát huy tối đa khả năng tự vận động trong quá trình học tập của sinh viên, lấy người học làm trung tâm của quá trình dạy và học; trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp và chuyên môn kế toán. Trên cơ sở nắm vững các chế độ và chuẩn mực về kế toán – tài chính do Bộ tài chính và Nhà nước ban hành, sinh viên sẽ trở thành cán bộ có chuyên môn, có trình độ văn hóa và kỹ năng thực hành tốt, có tiềm năng phát triển và khả năng thích ứng sự phát triển của nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Với phương châm: “Kiến thức luôn song hành với kỹ năng thực hành thông thạo”.               

3. Chiến lược phát triển:

Nằm trong chiến lược phát triển chung của Nhà trường, các định hướng phát triển chủ yếu của Bộ môn Kinh tế bao gồm:

-         Nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

-         Đẩy mạnh học tập và nghiên cứu khoa học trong giảng viên, sinh viên nhằm đóng góp giải pháp cho những vấn đề lý luận và thực tiễn nghề nghiệp đặt ra.

-         Thành lập một số câu lạc bộ học tập, Anh văn, thể dục thể thao nhằm gắn kết và chia sẻ thông tin giữa giảng viên và sinh viên, giữa các sinh viên với nhau, giữa sinh viên với các tổ chức nghề nghiệp để tạo sự kết nối chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng, giữa lý thuyết và thực tiễn.

III. CƠ SỞ VẬT CHẤT - TRANG THIẾT BỊ

Được sự quan tâm hỗ trợ của nhà trường, hiện nay bộ môn kinh tế có 100% phòng học lý thuyết được trang bị các trang thiết bị hiện đại như máy Projector giúp cho sinh viên được thuyết trình một số vấn đề của môn học, tạo điều kiện cho sinh viên phát huy tối đa khả năng làm việc nhóm, khả năng thuyết trình trước đám đông... Bên cạnh đó, có 3 phòng máy vi tính, với 150 máy mới được trang bị hiện đại giúp sinh viên thực hành kế toán trên các phần mềm ứng dụng trên máy vi tính, mỗi sinh viên thực hành trên 1 máy giúp các sinh viên thành thạo các kỹ năng trước khi ra trường.